Công an tỉnh Quảng Nam vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam đối với Trần Văn Hoàng (SN 1966), Trần Thị Thanh Nguyên (SN 1971, cùng trú tại TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Số tiền hai vợ chồng lừa đảo lên đến 371 tỷ đồng.
Nhận định về vụ án, tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, đây là vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền đặc biệt lớn cùng nhiều người bị hại; việc cơ quan điều tra chứng minh tội phạm những vụ án như thế này đòi hỏi rất thận trọng, tỉ mỉ công phu mới có thể buộc tội được các bị can, bị cáo.
Theo quy định của pháp luật, lừa đảo chiếm đoạt tài sản là dùng thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản, số tiền chiếm đoạt từ 2 triệu đồng trở lên thì người thực hiện hành vi gian dối, để chiếm đoạt tài sản sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, theo quy định tại điều 174 bộ luật Hình sự.
“Thông tin từ phía cơ quan chức năng, hai bị can trong vụ án này đã đưa thông tin gian dối để chiếm đoạt tiền của rất nhiều người thông qua thủ đoạn vay tiền để đáo nợ ngân hàng. Để buộc tội được các bị can, cơ quan điều tra phải thu thập được các tài liệu chứng cứ, chứng minh rằng bị can đã gian dối và có ý định chiếm đoạt tài sản”, luật sư Cường nói.
Cũng theo luật sư Cường, trường hợp xoay tiền để sử dụng trả nợ nhưng sau đó kế hoạch vay lại tiền của ngân hàng không thực hiện được do nguyên nhân khách quan, dẫn đến việc trả nợ không thực hiện được thì đây vẫn chỉ là quan hệ dân sự. Để chứng minh tội phạm, cơ quan điều tra phải chứng minh được thủ đoạn gian dối và mục đích chiếm đoạt tài sản trong quan hệ vay tài sản này.
Quan hệ dân sự vay tài sản chỉ chuyển thành quan hệ hình sự, nếu như cơ quan điều tra có căn cứ cho thấy việc nhận tiền thông qua thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt, chính là số tiền đã vay.
“Trường hợp bị kết tội về tội danh này, các bị can trên phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân”, luật sư Cường nói.
Ông Cường đưa ra lời khuyên, vụ việc này là bài học cho cả bị can và những người bị hại trong việc thực hiện các giao dịch dân sự về vay mượn tài sản.
Nếu vay mượn tài sản không có ý định trả tiền cho nạn nhân thì sẽ bị xử lý hình sự, ngược lại việc vay mượn tài sản không tìm hiểu kỹ nhân thân của người vay, không thỏa thuận rõ mục đích sử dụng tiền vay, không kiểm soát việc sử dụng tiền vay, không có thế chấp thì rất rủi ro có thể dẫn đến mất tài sản.
Theo đó, năm 2004, vợ chồng Hoàng và Nguyên thành lập Công ty Hoàng Nguyên để kinh doanh mặt hàng tạp hóa.
Từ năm 2004 đến năm 2018, hai vợ chồng này mua 32 mảnh đất với hình thức gối đầu. Trong đó, 27 mảnh đất được thế chấp ngân hàng để vay hơn 244 tỷ đồng.
Cùng với đó, vợ chồng này còn vay tiền của 21 người với số tiền hơn 126,8 tỷ đồng. Ban đầu, Hoàng và Nguyên trả tiền gốc, lãi cho những người vay đúng thời hạn.
Đến cuối tháng 6, vợ chồng Hoàng mất khả năng chi trả nợ. Để có tiền trả cho chủ nợ, Nguyên và Hoàng đã đưa thông tin gian dối vay tiền đáo hạn ngân hàng để bị hại tin tưởng giao tiền cho vay.
Tuy nhiên, cặp vợ chồng này đã sử dụng tiền vay để trả gốc, lãi cho ngân hàng, các cá nhân và kinh doanh sau đó chiếm đoạt, đến nay không có khả năng trả nợ.
Tổng số tiền vợ chồng Trần Văn Hoàng – Trần Thị Thanh Nguyên chiếm đoạt của các bị hại là 371 tỷ đồng.