Đời sống một bộ phận người dân nơi đây còn nhiều khó khăn, cộng với ảnh hưởng của mặt trái cơ chế thị trường nên luôn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp về an ninh, trật tự, trong đó có tình trạng lừa bán phụ nữ qua biên giới.

Theo thông tin từ Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Hà Giang, từ năm 2020 đến nay, BĐBP tỉnh Hà Giang đã phá thành công 10 chuyên án, giải cứu 13 nạn nhân là phụ nữ và trẻ em, truy cứu hình sự 25 đối tượng. Tính từ tháng 11-2021 đến nay đã phát hiện 7 vụ việc liên quan đến hoạt động mua bán người, tăng 3 vụ việc so với 9 tháng năm 2021.

Chúng tôi có mặt tại xã Xín Cái, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang-một trong những địa điểm mà các đối tượng thường chọn để lừa đưa phụ nữ qua biên giới. Sau đợt mưa kéo dài, đoạn đường từ TP Hà Giang đến Xín Cái dài 180km phần lớn một bên là vực, một bên là vách núi, có đoạn chúng tôi tưởng chừng không thể đi tiếp vì đất, đá lăn chắn ngang đường và đoạn đường đang được nâng cấp, may nhờ có xe máy xúc dọn đường mới có thể đi tiếp. Xín Cái có 19 thôn, 10 dân tộc anh em cùng sinh sống, đặc biệt có những đoạn chỉ cách đường biên giới vài bước chân. Phía đối diện biên giới là huyện Phú Ninh, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc)-nơi có đường cao tốc chạy qua. Vì vậy, các đối tượng hay chọn địa bàn ở đây để lừa đưa các nạn nhân qua biên giới.

Tình trạng lừa bán phụ nữ qua biên giới ở Hà Giang: Nêu cao cảnh giác, tích cực đấu tranh với tội phạm
 Cán bộ Đồn Biên phòng Xín Cái phối hợp với Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Mèo Vạc cho nạn nhân mua bán người nhận dạng đối tượng qua ảnh.

Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Tạ Tấn Hoàng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Xín Cái cho biết: “Nạn nhân bị mua bán chủ yếu là người dân tộc thiểu số ở các xã nội địa, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, trình độ nhận thức còn hạn chế. Các đối tượng lừa bán khi tiếp cận phụ nữ lại có nhiều thủ đoạn, tùy hoàn cảnh, trong đó, đối với các cô gái trẻ, chúng thường giả vờ có tình cảm yêu đương, rủ đi chơi, đi mua sắm tại các chợ giáp biên hoặc đưa về ra mắt gia đình khi trời đã tối. Nhiều cô gái chỉ nhận ra mình bị lừa bán khi đã bị đưa sâu vào lãnh thổ Trung Quốc và cuộc mua bán đã ngã giá xong”.

Thào Thị M (sinh năm 1999), trú tại xã Mậu Duệ, huyện Yên Minh và Thò Thị M (sinh năm 1998), trú tại xã Sủng Trái, huyện Đồng Văn là hai nạn nhân trong hai vụ việc khác nhau, may mắn được trở về, đã đến Đồn Biên phòng Xín Cái để trình báo vụ việc. Cả hai đều được hai người đàn ông không quen biết làm quen, rồi hứa hẹn lấy làm vợ, đưa về ra mắt. Thò Thị M kể, người đàn ông mới quen tự xưng là Sùng Phái Sính, sau khi hứa hẹn lấy M làm vợ đã đưa M lên huyện Đồng Văn để gặp “em trai” nhằm tạo lòng tin, rồi tiếp tục đưa cô lên khu vực biên giới xã Thượng Phùng (Mèo Vạc) để gặp một nam giới. Người nam giới này dẫn M qua sông bằng bè của một người đàn ông đã đợi sẵn, sau đó dẫn M tiếp tục đi bộ, giao cho hai người đàn ông khác ép M đưa sang Trung Quốc. Khi phát hiện mình bị bán, M đã lợi dụng sơ hở của các đối tượng và trốn được về Việt Nam. Căn cứ vào tin báo về tội phạm của M, Đồn Biên phòng Xín Cái đã tiến hành điều tra, thu thập chứng cứ, xác định được hai đối tượng là Giàng Mí Mua ở xã Thài Phìn Tủng, huyện Đồng Văn và Thò Mí Pó ở xã Cán Chu Phìn, huyện Mèo Vạc đã cùng bàn bạc thực hiện hành vi đưa M sang Trung Quốc giao cho đối tượng Và Chi đưa đi bán để nhận 5.000 nhân dân tệ.

Từ các vụ lừa bán phụ nữ qua biên giới trên địa bàn tỉnh Hà Giang cho thấy, hầu hết đối tượng đều cấu kết, móc nối với các đối tượng người Trung Quốc để bán nạn nhân cho những người đàn ông Trung Quốc có nhu cầu tìm vợ hoặc bán vào các cơ sở mại dâm. Tội phạm mua bán người bắt được quả tang thường rất khó vì đặc điểm loại tội phạm này có độ ẩn rất cao. Hầu hết vụ án phát hiện được chỉ sau khi nạn nhân quay trở về tố cáo hoặc gia đình có được thông tin và đến trình báo. Các đối tượng chủ yếu dụ dỗ bằng lời nói, không có chứng cứ vật chất, lại chia tách, cắt cử nhau từng công đoạn nên việc điều tra, phá án mất rất nhiều thời gian. Có những vụ việc, nạn nhân sau vài ba năm trở về được và tố cáo nhưng có vụ việc đến hàng chục năm sau nạn nhân mới trở về được, trí nhớ cũng suy giảm.

Đại tá Huỳnh Văn Sáu, Trưởng phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Hà Giang cho biết: “Cái khó nhất trong công tác đấu tranh với tội phạm mua bán người là khoanh vùng đối tượng. Trong quá trình phạm tội, chúng đều che giấu thân phận, lai lịch. Khi dụ được nạn nhân ra khỏi nhà, các đối tượng đều tính toán vào lúc trời tối, việc làm quen trước đó cũng chủ yếu trên mạng xã hội như Facebook, Zalo nên nạn nhân khi trình báo đều không biết tên, địa chỉ thật của đối tượng. Dựa trên mô tả của nạn nhân, nhiều vụ việc chúng tôi phải rà soát tất cả đối tượng nghi vấn trên địa bàn, mất rất nhiều thời gian, công sức, sau đó tiến hành các biện pháp nghiệp vụ rồi cho nạn nhân nhận dạng. Nếu nạn nhân nhận dạng được đối tượng thì tiếp tục dùng các biện pháp nghiệp vụ để các đối tượng thể hiện ra, tiếp đó mới có căn cứ để triệu tập đối tượng làm rõ”. Đại tá Huỳnh Văn Sáu cũng cho biết, có nạn nhân ở đồn đến 3 tháng để phục vụ công tác rà soát, xác minh đối tượng. Ở đồn, các anh em nhiều khi bỏ tiền túi nuôi ăn, mua đồ dùng thiết yếu và không ít trường hợp còn hỗ trợ nạn nhân tiền đi về với gia đình.

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Đỗ Ngọc Cảnh, Cục trưởng Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm BĐBP cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngày 14-4-2021, Bộ Quốc phòng ban hành Quyết định số 1058/QĐ-BQP về thực hiện Kế hoạch phòng, chống mua bán người (PCMBN) giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 trên các tuyến biên giới, cửa khẩu, biển, đảo và địa bàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Quốc phòng để chỉ đạo các đơn vị trong toàn quân triển khai thực hiện. Kế hoạch xác định 2 nhóm mục tiêu chung, 6 nhóm mục tiêu cụ thể và 8 nhóm nội dung, giải pháp mang tính toàn diện. Trong đó chú trọng công tác truyền thông, tuyên truyền tại cộng đồng; quyết liệt đấu tranh triệt phá các đường dây tội phạm mua bán người và nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, hợp tác quốc tế trong PCMBN. Đặc biệt, căn cứ tình hình thực tiễn, trong giai đoạn hiện nay, Bộ Quốc phòng giao Bộ tư lệnh BĐBP là cơ quan thường trực thực hiện kế hoạch PCMBN của Bộ Quốc phòng. Từ đầu năm 2021 đến nay, trên cơ sở nắm, đánh giá, dự báo sát đúng tình hình hoạt động của tội phạm mua bán người và tổ chức cho người khác xuất, nhập cảnh trái phép trên các tuyến biên giới, BĐBP đã tham mưu với Bộ Quốc phòng chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị trong toàn quân, nhất là Bộ tư lệnh BĐBP, Cảnh sát biển và bộ tư lệnh các quân khu triển khai đồng bộ các biện pháp, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác PCMBN”.

Về công tác PCMBN, Nhà nước, các bộ, ban, ngành đã có nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt để đấu tranh với loại tội phạm này. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2546/QĐ-TTg ngày 31-12-2015 “Phê duyệt Chương trình PCMBN giai đoạn 2016-2020″, Quyết định số 793/QĐ-TTg ngày 10-5-2016 lấy ngày 30-7 hằng năm là Ngày toàn dân PCMBN, Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 9-2-2021 “Phê duyệt Chương trình PCMBN giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030”. Ngoài sự nỗ lực của các lực lượng, cơ quan chức năng, bản thân mỗi người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác đấu tranh, loại trừ loại tội phạm.