Từ đầu năm 2022 đến nay, bên cạnh những cuộc “giải cứu” thành công, cơ quan công an còn nhận nhiều đơn trình báo, tố giác tội phạm liên quan đến việc công dân Việt Nam bị các đối tượng dụ dỗ, lôi kéo xuất cảnh trái phép sang Camphuchia làm việc, cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản…
Chỉ trong vòng hai tháng trở lại đây, rộ lên nhiều cuộc giải cứu các em thiếu niên bị lừa bán sang Campuchia, bóc lột sức lao động bằng thủ đoạn “việc nhẹ lương cao”.
Mới đây nhất vào ngày 2/8, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La đã phối hợp với các cơ quan chức năng giải cứu em L.T.Đ sinh năm 2004, người dân tộc Thái, cư trú tại huyện Sốp Cộp bị lừa bán sang Campuchia.
Trước đó, Lê Hoàng Quốc C. (17 tuổi) cũng bị lừa bán sang Campuchia, làm việc trong một sòng bạc, nhiều lần bị chích điện, đánh đập. Em đã được một nhóm người Việt Nam giải cứu đoàn tụ với gia đình ở An Giang.
Tàn độc hơn cả những người lừa đảo tuyển dụng lao động rồi bán sang Campuchia là các đối tượng lừa đảo lập các nhóm Facebook, Zalo… đăng tải các nội dung “nhận giải cứu người Việt Nam bị lừa sang Campuchia về nước…”.
Nắm được tâm lý nôn nóng của phụ huynh muốn cứu con em mình thoát khỏi sự nguy hiểm, chiêu trò của bọn lừa đảo là liên hệ “thân chủ” cung cấp thông tin cá nhân, yêu cầu chuyển tiền đặt cọc để làm thủ tục nhập cảnh cho người bị lừa sang Campuchia về nước. Khi nhận được tiền cọc, chúng liền cắt liên lạc và biến mất cùng với số tiền cọc đã nhận.
Trong khi rất nhiều trẻ em may mắn được sinh ra trong một gia đình có điều kiện thuận lợi, được cha mẹ nuôi nấng chăm sóc, cho học hành đến nơi đến chốn, thì ngoài xã hội vẫn còn không ít trẻ em thiếu may mắn. Đấy là những đứa trẻ phải vào đời sớm, thậm chí còn trong độ tuổi vị thành niên, các em đã phải lao động kiếm tiền để nuôi sống bản thân, hơn nữa là phụ giúp cha mẹ trang trải chi phí sinh hoạt gia đình.
Bay ra bầu trời trong khi chưa đủ lông đủ cánh, với các em nhỏ là sự lành ít dữ nhiều, rủi ro là không tránh khỏi. Đánh vào sự thiếu hiểu biết, nhẹ dạ, cả tin và tâm lý nôn nóng muốn kiếm tiền nhanh chóng của nạn nhân, nhiều đường dây lừa đảo với thủ đoạn tinh vi, bằng hình thức tuyển dụng lao động ra đời. Chiêu trò của chúng là đưa ra lời chào mời hấp dẫn như: Không cần trình độ, được đào tạo miễn phí, ngồi văn phòng, làm trên máy tính, bao ăn ở… kèm theo một mức lương hấp dẫn, nôm na là “việc nhẹ lương cao”. Có nơi đưa ra nhiều ngành nghề đa dạng để người cần việc có nhiều sự lựa chọn, hầu như ai cũng tìm thấy trong đó một công việc phù hợp với mình. Trước những lời giới thiệu hấp dẫn, rất nhiều bạn nhỏ đã bị sập bẫy.
Khác với nhiều năm trước đây, chúng cho người về tận các thôn ấp xa xôi tiếp cận trực tiếp hòng dụ dỗ nạn nhân, hoặc ở các vùng thành thị thì chúng giở chiêu trò yêu cầu người tìm việc phải ứng “lệ phí” sau đó chiếm đoạt hàng loạt và biến mất. Ngày nay, phương tức tuyển dụng của chúng hầu hết là thông qua mạng xã hội. Nhiều trang web “việc cần người”, các nhóm tuyển người trên Facebook, Zalo… xuất hiện nhan nhản, công khai.
“Nước cờ” chung của chúng là ban đầu thông tin với nạn nhân sẽ làm việc tại TP. Hồ Chí Minh nhưng sau đó từ TP. Hồ Chí Minh, chúng sẽ đưa các em đến các tỉnh giáp biên giới rồi đưa sang Campuchia theo đường tiểu ngạch, bán cho một công ty nào đó hoặc làm việc ở các casino. Do không đáp ứng được điều kiện lao động khắc nghiệt, em nào muốn về buộc phải thông báo cho người nhà gửi tiền sang “chuộc mạng”.
Cụ thể như trường hợp của em T.O ở Bến Tre, công việc em được giao là tạo các tài khoản Zalo, Facebook ảo, sau đó gửi link cho nhiều người, mời họ tạo ứng dụng đánh bạc trực tuyến có tên là “VCC”, dụ con mồi nạp tiền, tham gia đánh bạc qua App này. Chúng áp đặt chỉ tiêu cho em mỗi tháng phải dụ được tối thiểu 50 khách hàng nạp tiền vào App thì mới nhận được tiền lương. Sau một tháng bị bán từ công ty này sang công ty khác và bị đưa ra con số tiền chuộc lên đấn gần 4 ngàn USD, may mắn em đã được “giải cứu”, thoát khỏi đường dây lừa đảo.
Trong tình hình danh sách người bị hại có thể chưa dừng lại, chờ cơ quan công an vào cuộc “giải cứu” thì từng người dân cần nâng cao sự hiểu biết và cảnh giác với chiêu trò này. Đặc biệt là các em ở độ tuổi thanh thiếu niên, sống tại các miền quê, xa xôi hẻo lánh, hoàn cảnh nghèo khó, thiếu thông tin, ít hiểu biết, khó phân biệt thật – giả giữa rừng thông tin rối rắm trên mạng xã hội. Đây là đối tượng có nguy cơ trở thành con mồi của cái bẫy tuyển người theo kiểu “việc nhẹ lương cao” đang giăng khắp nơi.
Bảo vệ con em chúng ta không thể thiếu sự quan tâm tư vấn của người lớn. Cần tỉnh táo trước những lời đường mật rất xưa cũ “việc nhẹ lương cao”. Cuộc sống không hề đơn giản, kiếm tiền bằng lao động chân chính không hề là việc dễ dàng. Ngay cả những người thành đạt, để có được sự nghiệp, tiền của, họ phải trải qua một quá trình lao động rất vất vả.
Không thể có công việc nhàn rỗi, ít đòi hỏi trình độ nhưng “lương cao”. Không có món đồ nào ít tiền mà bền tốt, không có món ăn nào rẻ mà sạch ngon. Nói không ngoa, đó là chân lý.
Mong rằng, sự sập bẫy của nhiều nạn nhân ở khắp các tỉnh thành vừa qua, mong rằng bài học đắt giá phía sau giấc mơ đổi đời của các nạn nhân đã được “giải cứu” là lời cảnh tỉnh cho tất cả những ai có ý định đi tìm một công việc không cần trình độ, không cần sức khỏe, nhẹ nhàng mà… lương cao.