Thời gian này, hàng ngàn tân sinh viên (SV) các trường cao đẳng, đại học đã chính thức nhập học. Nhiều tân SV cũng bắt đầu tìm việc làm thêm để san sẻ gánh nặng chi phí với gia đình. Đây cũng chính là thời điểm các chiêu trò lừa đảo môi giới “việc nhẹ, lương cao” của nhiều đối tượng xuất hiện để thu hút SV tìm việc.

Sập bẫy

Chân ướt chân ráo xuống TP HCM nhập học, Vũ Thị Trúc Ly (19 tuổi, quê tỉnh Kon Tum, SV Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM) tranh thủ tìm việc làm thêm để trang trải chi phí bởi gia đình rất khó khăn.

Sinh viên dễ rơi vào bẫy lừa đảo việc làm - Ảnh 1.

Ngày hội việc làm là nơi để sinh viên tìm kiếm cơ hội làm thêm bảo đảm độ tin cậy

Lên Facebook tìm kiếm, Ly thấy có tuyển dụng bán hàng siêu thị với ca giờ khá phù hợp lịch học của mình. Tìm đến địa chỉ để nộp hồ sơ xin việc, Ly được hướng dẫn mua bộ sản phẩm gồm nước tẩy rửa, xà phòng giặt với tổng trị giá 399.000 đồng. Ly được nhân viên tuyển dụng viết giấy hẹn nhận việc, số điện thoại nhưng không ghi cụ thể ngày giờ và làm ở đâu. Về nhà trọ chờ cả tuần cũng không thấy tin nhắn đi làm, Ly đến văn phòng môi giới thì họ đã chuyển đi đâu mất.

Tương tự, Hồ Văn Nhân, SV Trường ĐH Công nghiệp TP HCM, cũng bị lừa mất hơn 1 triệu đồng. Nhân đăng tin cần tìm việc làm thêm trên một nhóm có hàng chục ngàn thành viên về việc làm thêm cho SV. Rất nhiều tài khoản lạ đã nhắn tin cho Nhân chào mời nhiều công việc hấp dẫn. Sẵn có kinh nghiệm bán hàng công nghệ online nên Nhân nhận lời đăng bán hàng cho một công ty công nghệ.

Để trở thành cộng tác viên bán hàng, Nhân phải đặt cọc 1,1 triệu đồng (bằng giá của 1 sản phẩm). “Họ nói tiền cọc đó sẽ được hoàn trả khi không tiếp tục bán hàng nữa nên tôi đã chuyển khoản. Ngay sau đó, người liên hệ đã chặn Facebook của tôi. Khi đến địa chỉ thì đó là nhà dân” – Nhân kể.

Ông Nguyễn Đỗ Tùng, Giám đốc tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Văn Hiến, cho biết hiện có rất nhiều chiêu thức lừa đảo việc làm hướng đến SV, nhất là các tân SV. Hình thức phổ biến là lừa SV vào các mạng lưới bán hàng hưởng hoa hồng cao, làm thêm các công việc bán hàng, phục vụ tại các quán ăn, cà phê… nhưng phải đóng phí. “Thực chất chẳng có công việc nào cả, các đối tượng lừa đảo dựng lên để thu tiền SV trái phép. Nguy hiểm nhất là hình thức bán hàng online, thanh toán đơn hàng nhận hoa hồng khiến nhiều SV bị chiếm đoạt tiền, thậm chí bị đe dọa, gây hoang mang” – ông Tùng nói.