Nhiều bệnh viện liên tiếp thông tin cảnh báo đến người dân về tình trạng mạo danh bệnh viện, bác sĩ, thế nhưng không ít người dân vẫn sập bẫy lừa đảo.

Mạo danh bệnh viện để lừa đảo bán hàng
 Fanpage giả mạo Bệnh viện Da liễu Trung ương để bán các sản phẩm chăm sóc da, làm mờ sẹo…

Để bán sản phẩm làm mờ sẹo, chữa mụn, một số đối tượng đã lập fanpage giả mạo Bệnh viện Da liễu Trung ương để lừa đảo. Để củng cố niềm tin với bệnh nhân, ngoài việc đặt tên là “Viện Da liễu Trung ương”, fanpage mạo danh còn sử dụng địa chỉ 15A Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội là địa chỉ của Bệnh viện Da liễu Trung ương, cùng nhiều hình ảnh, bài viết lấy từ website chính thống của bệnh viện. Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Đặng Bích Diệp, Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết: “Thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng này rất tinh vi. Họ lấy hình ảnh hoạt động của bệnh viện, hình ảnh các bác sĩ có kinh nghiệm để đăng lên fanpage, hướng người bệnh tương tác, sau đó giới thiệu và bán các sản phẩm không rõ nguồn gốc nhưng lại quảng cáo là do Bệnh viện Da liễu Trung ương sản xuất. Thực tế, bệnh viện không sản xuất hay bán các sản phẩm như vậy”… Tương tự, đầu năm 2022, Bệnh viện Đa khoa huyện Vũ Thư (Thái Bình) đã phải đăng cảnh báo trên website chính thức của UBND huyện về việc xuất hiện các đối tượng mạo danh bác sĩ đang làm việc tại bệnh viện để tư vấn bán thuốc không rõ nguồn gốc qua mạng. Nhiều người dân ở huyện Vũ Thư đã bị các đối tượng lừa đảo mua thuốc đau xương khớp, rơi vào cảnh “tiền mất tật mang”.

Hành vi mạo danh bệnh viện, bác sĩ để trục lợi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của cá nhân bác sĩ nói riêng cũng như mỗi cơ sở y tế nói chung, đồng thời khiến người bệnh trở thành nạn nhân, vừa tốn tiền mua “thuốc”, vừa có thể khiến bệnh nặng hơn. Đề nghị các cơ quan chức năng quyết liệt đấu tranh, xử lý loại tội phạm này. Bên cạnh đó, người dân cần nêu cao cảnh giác, nên đến bệnh viện để khám bệnh và điều trị chứ không nên mua thuốc qua mạng.