Thời gian qua, mặc dù đã được cơ quan chức năng cảnh báo nhưng nhiều người vẫn bị các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tiền bằng thủ đoạn tuyển cộng tác viên bán hàng online cho sàn thương mại điện tử (TMĐT); điển hình như trường hợp chị T.T.H.T, 32 tuổi, trú tại huyện Đồng Phú (Bình Phước).
Thông qua mạng xã hội, chị T được một người tự xưng là nhân viên của sàn TMĐT Shopee tư vấn, mời tham gia cộng tác viên bán hàng online. Làm theo hướng dẫn của “nhân viên tư vấn”, chị T thực hiện 3 giao dịch chuyển tiền cho 3 đơn hàng với số tiền lần lượt là 300.000 đồng, 300.000 đồng và 10.000.000 đồng. Sau mỗi đơn hàng giao dịch thành công, chị T được hệ thống chuyển lại số tiền tương ứng 380.000 đồng, 345.000 đồng và 12.000.000 đồng. Thấy có lợi, liên tục từ ngày 18 đến 20-7-2022, chị T thực hiện thêm nhiều giao dịch với tổng số tiền chuyển đi là hơn 4,2 tỷ đồng nhưng không thấy hệ thống chuyển tiền lại như các lần trước. App luôn thông báo nhiều lý do và yêu cầu chị T chuyển thêm 2 tỷ đồng để nâng cấp lên gói “cộng tác viên VIP”. Lúc này chị T mới nhận ra mình bị lừa và đến cơ quan công an trình báo…
Quảng cáo tuyển dụng cộng tác viên trên mạng xã hội. |
Các đối tượng lừa đảo thường gọi điện thoại, nhắn tin tự xưng là nhân viên của một số sàn TMĐT như Lazada, Shopee, Tiki… đang cần tuyển cộng tác viên “chạy đơn hàng” và chi trả hoa hồng hậu hĩnh. Ngoài ra, các đối tượng còn lập trang web, đăng bài chạy quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội với những từ khóa hấp dẫn như “làm việc tại nhà”, “không cần ôm hàng”, “không cần bỏ vốn”, “được phép trả hàng”, hưởng từ 10% đến 20% lợi nhuận sau mỗi đơn hàng. Những người mà các đối tượng lừa đảo thường hướng đến là phụ nữ nuôi con nhỏ, sinh viên, người không có việc làm hoặc đang cần việc làm thêm tại nhà… Khi tuyển được “cộng tác viên”, các đối tượng sẽ yêu cầu chuyển tiền đặt cọc mua đơn hàng trước và hứa sẽ trả lại cả tiền gốc lẫn lãi trong thời gian ngắn. Đối với những đơn hàng đầu có giá trị nhỏ, chúng sẽ nhanh chóng hoàn trả đầy đủ tiền gốc mua hàng và “hoa hồng” như thỏa thuận nhằm tạo uy tín để dụ dỗ “con mồi” thực hiện giao dịch thanh toán đơn hàng giá trị cao hơn. Tuy nhiên, khi “cộng tác viên” chuyển tiền thực hiện giao dịch đơn hàng có giá trị cao, các đối tượng sẽ thông báo hệ thống bị lỗi, đang bảo trì, nâng cấp hoặc viện nhiều lý do khác để yêu cầu tiếp tục nộp tiền nhằm chiếm đoạt.
Trước thủ đoạn tinh vi của các đối tượng xấu, người dân cần hết sức cảnh giác để tránh mắc bẫy. Khi có ý định làm cộng tác viên bán hàng online, cần kiểm tra rõ các thông tin về hàng hóa và đơn vị cung cấp, nên gặp trực tiếp để trao đổi công việc, tuyệt đối không chuyển tiền hay cung cấp giấy tờ, thông tin cá nhân cho người lạ. Trường hợp bị kẻ xấu lừa đảo chiếm đoạt tài sản cần nhanh chóng đến cơ quan công an trình báo. Mặt khác, cơ quan chức năng cần tăng cường điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng lừa đảo.